Tết Trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng (Tết đoàn viên) là một lễ hội truyền thống của người Việt Nam diễn ra vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, người dân Việt Nam sẽ tổ chức rước đèn lồng, sum họp gia đình, chia sẻ niềm vui và tình yêu thương.
Tết trung thu đã có 3000 năm lịch sử, gắn liền với đời sống của nhân dân Việt Nam. Có nguồn gốc từ Trung Quốc,
Tết trung thu du nhập vào Việt Nam không biết tự bao giờ kèm theo những câu chuyện huyền sử cuốn hút. Trong ngày Tết này, mặt trăng được coi là tròn nhất trong năm, nhà nhà sẽ làm cỗ nghênh trăng (trông trăng) chủ yếu là hoa quả kèm bánh trung thu, trẻ con sẽ tham gia hoạt động phá cỗ, rước đèn lồng, xem múa lân.

Bánh trung thu là đặc sản chỉ xuất hiện trong
Tết trung thu. Theo truyền thống, bánh trung thu có hai loại bánh dẻo và bánh nướng. Bánh dẻo thường có màu trắng, không có nhân bên trong, được làm từ bột nếp. Trong khi đó, bánh nướng làm từ bột mì, có nhân bên trong rồi được nướng chín.
Đèn lồng là loại đèn có lớp bao quanh bên ngoài trong suốt phủ màu, bên trong sẽ có nguồn sáng để chiếu sáng. Vào
Tết Trung Thu, trẻ con sẽ được bố mẹ mua cho đèn lồng (đèn trung thu/đèn kéo quân) để rước đèn cùng bạn bè. Việc rước đèn trung thu có ý nghĩa cầu mong may mắn, bình an và sự thịnh vượng.

Ngày nay, đèn trung thu ở Việt Nam ngoài các loại cầm tay truyền thống cho trẻ con còn phát triển vượt bậc trở thành lễ hội giành cho cả người lớn, tiêu biểu nhất là
lễ hội đèn lồng Tuyên Quang.
Lễ hội đèn lồng Tuyên Quang là lễ hội Trung Thu lớn nhất tại Việt Nam. Đến với Lễ hội thành Tuyên, du khách sẽ được trở về tuổi thơ cùng các cháu thiếu nhi hòa mình trong không gian Trung thu mênh mang, lung linh muôn sắc màu của những xe mô hình đèn Trung thu khổng lồ, độc đáo, muôn hình muôn vẻ, được thiết kế và chế tác bởi chính những người dân Tuyên Quang.
Điểm nhấn của lễ hội chính là những mô hình đèn trung thu khổng lồ được người dân tự tay làm và rước qua các tuyến phố. Những mô hình đèn trung thu khổng lồ đều được xây dựng dựa trên các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian và từ thực tiễn đời sống, lao động sản xuất của nhân dân trong từng giai đoạn lịch sử. Ngoài sự kiện là lễ rước đèn lồng, du khách khi đến với tỉnh Tuyên Quang còn có thể tham dự vào các hoạt động trưng bày, giới thiệu nét ẩm thực đa dạng, phong phú của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; trình diễn giới thiệu trang phục; biểu diễn nghệ thuật….